NHU CẦU CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN NỀN TẢNG SHOPPERTAINMENT 2024
Nhu cầu của người tiên dùng trên các nền tảng shoppertainment ngày càng có sự thay đổi. Có tới 79% người tiêu dùng không mua sắm vì nội dung giảm giá. Người tiêu dùng cũng ngày càng mong muốn được cải thiện trải nghiệm mua sắm, và ngày càng tin tưởng vào những nội dung truyền thông được kiểm soát bởi chính cộng đồng người dùng hơn là bởi nhãn hàng.
79% người tiêu dùng không mua sắm vì nội dung giảm giá
Trong thời điểm nền kinh tế đang có những khủng hoảng nhất định trên toàn cầu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên nhiều người bán hàng trên các nền tảng shoppertainment hay e-commerce nghĩ ràng chính sách giảm giá là 1 quân bài sẽ giúp thúc đẩy bán và thúc đẩy mua hàng hóa (bao gồm cả sản phẩm hữu hình và dịch vụ). Tuy nhiên theo 1 báo cáo của Tiktok - nền tảng đang phát triển rất mạng shoppertainment tại Việt Nam và các nước trong thị trường APAC đã cho kết quả là: 79% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các nội dung khác không phải nội dung giảm giá, chỉ có 21% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi nội dung giảm giá khi đưa ra quyết định mua hàng hóa.
Với kết quả được báo cáo trong nghiên cứu của Tiktok thì có thể đưa ra 1 số nhận định như sau:
Nếu những nhà bán hàng trên nền tảng tiktokshop hay các nền tảng mang tính shoppertainment mà chỉ làm các nội dung truyền thông marketing dựa trên yếu tố giảm giá, khuyến mãi sẽ không thể thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng hóa.
Những người bán hàng cần tìm hiểu và quan tâm đến những nhu cầu về thông tin và trải nghiệm mua hàng của người tiêu dùng để có thể đáp ứng và tạo ra sự khác biệt cho mình nhằm gia tăng sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng.
Vậy những thông tin khác có thế kéo 79% người tiêu dùng quyết định mua hàng hóa trên nền tảng shoppertainment là gì?
Bảng mô tả các loại nội dung mà người tiêu dùng quan tâm trên các nền tảng shoppertaiment (Theo báo cáo của Tiktok)
Trong bài viết này, mình chỉ tập trung giải nghĩa các kết quả nghiên cứu của tiktok tập trung vào thị trường Việt Nam.
Người tiêu dùng Việt Nam chịu ảnh hưởng cực kỳ lớn bởi các nội dung khuyến nghị bởi người sáng tạo nội dung.
Những nội dung khuyến nghị về sản phẩm phải bao gồm thông tin chi tiết về sản phẩm và giá trị của nó, nhưng cần phải có tính chân thực (tức là người đưa nội dung khuyến nghị phải sử dụng và có cảm nhận riêng về sản phẩm đó).
Người tiêu dùng Việt Nam cũng cực kỳ đề cao hình ảnh bên ngoài của sản phẩm (product visuals), trải nghiệm dùng sản phẩm.
Mối quan tâm sau cùng khi ra quyết định mua hàng mới là các nội dung liên quan đến giảm giá, khuyến mại.
Với kết quả phân tích trên mà Tiktok cung cấp, chúng ta nhận thấy rằng người tiêu dùng Việt Nam thật sự bị ảnh hưởng bởi những nội dung “truyền miệng” về giá trị sản phẩm được thể hiện trên môi trường số. Những nội dung này cần phải tạo ra được cảm xúc cho người xem (emotional resonance), tạo ra những ấn tượng chân thực (authentic expression) và có thể liên tưởng đến việc sử dụng thực tế như thế nào (relatable realism).
Người tiêu dùng ngày càng mong muốn được cải thiện trải nghiệm mua sắm
Trước khi các nền tảng thương mại điện tử ra đời và phát triển, người tiêu dùng chỉ có thể mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng vật lí. Khi mua hàng hóa tại cửa hàng vật lí họ được “sờ tận tay”, “nhìn trực tiếp sản phẩm bằng mắt thường” và thậm chí được “ướm thử” để đánh giá được hàng hóa đó có thực sự chất lượng, phù hợp và “đáng với số tiền bỏ ra để sở hữu” hàng hóa đó hay không.
Tuy nhiên, khi thương mại điện tử ra đời, hình thức thương mại này đã giúp cho việc mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng trở nên thuận tiện hơn. Thuận tiện về mặt không gian, thời gian và thậm chí là giá cả. Nhưng có 1 trở ngại lớn là “không thực sự đánh giá được chất lượng và sự phù hợp của hàng hóa” nếu chỉ qua 1 vài hình ảnh và mô tả bằng câu từ mô tả sản phẩm của nhãn hàng. Đó cũng là lí do tại sao, có rất nhiều hàng hóa vẫn rất khó để bán trên sàn ecommerce. Người tiêu dùng mong muốn được cải thiện trải nghiệm mua sắm trên e-commerce.
Shoppertainment ra đời đã tiến thêm nhiều bước trong việc cải thiện trải nghiệm mua hàng cho người tiêu dùng, tạo ra được 1 không gian mua hàng online có cảm giác “chân thực hơn”. Các nền tảng shoppertainment như tiktok, facebook, instagram tạo ra một “thế giới” online chân thực hơn khi mà người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin, so sánh sản phẩm, và lắng nghe những phản hồi của người tiêu dùng khác trên cùng 1 nền tảng, 1 không gian.
Trên các nền tảng shoppertainment, người tiêu dùng không chỉ tìm thấy những thông tin về sản phẩm và đánh giá sản phẩm bằng chữ (text) đơn thuần. Mà ở đây họ được xem các video mô tả trực tiếp về sản phẩm, cách sử dụng các tính năng của sản phẩm. Giống cách họ xem về sản phẩm tại 1 cửa hàng vật lý.
Vì vậy, người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi những nội dung về sản phẩm được thể hiện 1 cách chân thực. Đây cũng chính là yếu tố yêu cầu các nhãn hàng và chính những người bán hàng ngày càng phải khiến cho các nội dung giới thiệu của mình “giống trải nghiệm thực tế tại cửa hàng vật lý hơn”, thậm chí vượt qua cả mong đợi và tưởng tượng của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng tin tưởng vào nội dung của cộng đồng hơn là của nhãn hàng
Không khó để nhận thấy tỷ lệ tương tác của người tiêu dùng trên các nội dung về sản phẩm của nhãn hàng phát hành và của những người dùng khác có sự chênh lệch khá lớn. Người tiêu dùng tương tác nhiều hơn trên các nội dung do chính “những người giống họ” phát hành.
Quan điểm của người tiêu dùng là những nội dung của nhà sản xuất hay nhãn hàng phát hành thường là những nội dung khen sản phẩm của chính họ. Còn những nội dung của những người dùng khác mới chính là các trải nghiệm thực tế. Mặc dù người tiêu dùng biết rằng, sẽ có những nội dung được booking. Nhưng họ tự tin vào sự phân loại được đâu là những người “review chân chính” và đâu là những người “review chỉ vì tiền”.
Thách thức này khiến cho cả những nhãn hàng và những người làm nội dung review cần ngày càng phải thấu hiểu người tiêu dùng hơn về cách họ giải mã thông tin, cách họ đánh giá sự đáng tin của 1 nội dung khuyến nghị sản phẩm.
Shoppertainment là xu hướng còn phát triển mạnh trong tương lai
Các hoạt động kinh doanh qua các nền tảng shoppertaiment còn phát triển mạnh trong thời gian tới. Với sự cộng hưởng của những công nghệ mới trên không gian online, các hoạt động truyền thông marketing, các nội dung truyền tải sẽ được thể hiện theo những cách mà hiện tại có thể chúng ta chưa hình dung ra hay không thể nghĩ tới. Nhưng với sự phát triển của công nghệ, không gì không thể. Nó cũng tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức tìm kiếm, so sánh, đánh giá thông tin. Nó cũng đồng thời tạo ra thay đổi về hành trình trải nghiệm của khách hàng.
(Bài viết có tham khảo các nội dung trong báo cáo “Shoppertainment 2024: The future of consumers and commerce here in APAC” của Tiktok)